Cầu cho các tín hữu đã qua đời...
04.11.2022
0
Những ngày đầu tháng 11 hàng năm, khi tiết trời bắt đầu chuyển mùa chớm sang đông, cũng là dịp người Công Giáo nhìn về những chân lý vĩnh cửu của đời người. Hai ngày đầu tháng 11 này Giáo hội dành để giúp chúng ta sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Nếu ngày hôm qua, chúng ta - Giáo hội lữ hành trần thế đã nhìn lên thiên quốc, ngắm Giáo hội vinh quang chiến thắng là các thánh đang hưởng kiến Nhan Thánh Chúa thì ngày hôm nay, Giáo hội dạy chúng ta nhìn xuống Giáo hội thanh luyện đau khổ, nghĩa là các tín hữu đã qua đời mà chưa được ơn hưởng kiến Thánh Nhan Chúa vì còn phải thanh luyện cho xứng đáng tinh tuyền trước khi hưởng phúc vĩnh cửu nơi bàn tiệc Nước Trời. Dĩ nhiên nhìn lên nhìn xuống chỉ là từ ngữ mang tính tượng trưng chứ không phải ám chỉ phương hướng hay một nơi chốn. Cả ba thành phần này (Giáo hội lữ hành trần thế, Giáo hội vinh quang chiến thắng và Giáo hội thanh luyện đau khổ) làm thành Giáo hội của Thiên Chúa. Cả ba thành phần đều có thể cầu nguyện cho nhau, và giúp nhau hưởng phúc vĩnh cửu. Các thánh vẫn đang cầu nguyện và trợ giúp cho chúng ta và các linh hồn. Chúng ta cầu nguyện với các thánh và cầu nguyện cho các linh hồn. Các linh hồn ở nơi thanh luyện cầu nguyện cho chúng ta và cầu nguyện cùng các thánh. Cho nên lên thiên đàng không phải là đi nghỉ hưu dài hạn, hay ở thanh luyện không phải là tình trạng tuyệt vọng bởi vì chết không phải là hết, và còn sống ngày nào giờ nào là chúng ta có thể tăng thêm công phúc cho chính chúng ta trong đời này, và hy sinh cầu nguyện cho các linh hồn, cũng như kêu xin đến sự trợ giúp của các thánh. Mầu nhiệm các thánh thông công mà Giáo hội dạy chúng ta nghĩa là như vậy đó.
Cách cụ thể, trong ngày hôm nay, chúng ta hãy nhớ tới ông bà cha mẹ, cũng như những người thân yêu của chúng ta đã ra đi trước chúng ta. Đó là sống tình hiếu thảo mà luật Chúa dạy, cũng như là đạo hiếu truyền thống của dân tộc. Rất nhiều người trong chúng ta khi cha mẹ hay người thân của mình còn sống đã không có đủ tình thương, sự quan tâm và chăm sóc cho họ rồi, tới khi họ mất đi, chúng ta lãng quên người thân của chúng ta quá mau lẹ. Ca dao Việt Nam có câu: "Lúc sống thì chẳng cho ăn, Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi." Có những gia đình con cái tị nạnh nhau, bỏ cha mẹ cho một người phải gánh phải lo, tới lúc cha mẹ chết, lại tranh nhau cái xác để ở nhà mình để làm đám ma cho thật lớn, hầu mang danh là có hiếu, và để thu tiền phúng điếu cho nhiều. Có không? Rất nhiều trường hợp như thế trong cuộc sống. Tới khi cha mẹ nằm xuống, lo xin được vài thánh lễ, rồi quá lắm một năm nhớ được xin lễ ngày giỗ, rồi coi như là xong! Chúng ta xét lại, sẽ thấy mình rất thường xuyên sống giả hình và vô ơn. Có lắm người còn quên luôn cả ngày giỗ cha mẹ anh em mình đã khuất. Các linh hồn ấy chờ đợi lời cầu nguyện, những hy sinh và thánh lễ của chúng ta, bởi vì các ngài đã hết khả năng lập công tích đức trong cuộc đời trần gian này. Các ngài chỉ còn liên lỉ cầu nguyện và được thanh luyện để chờ ngày Chúa đón vào thiên đàng vĩnh phúc. Không phải Chúa khắt khe khó chịu đến mức căm phạt giam giữ con cái Ngài đâu. Chỉ là khi đứng trước một sự thánh thiện và hạnh phúc vô biên của Nước Trời, chính các linh hồn tự cảm thấy mình không xứng đáng tiến vào, như một người đi đường lội sình dính bùn không dám bước vào nhà mà phải lấy nước rửa tay rửa chân trước khi có thể an tâm tiến vào nhà vậy đó. Chính vì vậy, chúng ta hãy dâng thánh lễ, kinh nguyện để cầu cho họ, hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho họ. Đó là việc bác ái rất tốt lành, và nếu chúng ta nhớ đến các linh hồn, thì họ cũng chẳng quên chúng ta đâu.
Hơn thế nữa, ngày lễ hôm nay cũng là một lời nhắc nhở cho chính mỗi người chúng ta. Mỗi lần đến viếng những nghĩa trang hay nhà hài cốt của những người thân đã khuất, con tự nhắc mình rằng: "Một ngày nào đó, chính con cũng sẽ nằm ở đây." Sự thinh lặng của nghĩa trang hay những nhà hài cốt cho chúng ta cảm nghiệm được phần nào sự huyên náo ồn ào của cõi đời này thật ra cũng rất hư ảo, vô thường. Sự thinh lặng ấy mời gọi cõi lòng chúng ta lắng đọng để suy nghĩ về mục đích tối hậu của đời người. Trong sự thinh lặng ấy, chúng ta sẽ nhận ra: Mọi thứ đời này rồi cũng sẽ qua đi, nhường bước cho một cuộc đời nữa sau ngưỡng cửa của tử sinh. Chết không phải là hết, còn có một đời sống sau khi chết. Và tuy cùng nằm với nhau trong một nghĩa trang hay một nhà hài cốt, nhưng số phận đời đời của mỗi người rất khác nhau. Đời sau sẽ là một cuộc đời hạnh phúc trong vĩnh cửu, hay cứ mãi ray rứt dở dang vì đã chẳng chọn yêu thương làm lẽ sống đời mình, hay còn phải tập luyện yêu thương cho trọn vẹn vì đã bỏ lỡ bao dịp yêu thương trong đời, trước khi có thể hạnh phúc trong tình yêu Chúa, đó là quyết định của chính chúng ta, trong từng ngày, từng giây trong hiện tại này. Xin Chúa cho chúng ta đừng quên rằng mình sẽ có lúc rời khỏi cõi đời này, không phải để bi quan yếm thế, lười biếng buông xuôi tất cả nhưng để luôn biết sống trọn vẹn từng giây phút trong đời này. Bởi vì, một ngày nào đó, chính thân tro bụi này cũng sẽ nằm ở đây, trong khi chờ đợi ngày sống lại, cùng với linh hồn bất tử hưởng hạnh phúc mà Chúa muốn ban cho tất cả con cái Người. Đó là mục đích tối hậu của cuộc đời mà người Kitô hữu chúng ta cần luôn ý thức. Đó cũng là hai ý nghĩa của ngày lễ hôm nay mà con muốn chia sẻ với cộng đoàn.
Vậy, trong tháng 11 này, chúng ta hãy sống mầu nhiệm các thánh thông công: chúng ta suy nghĩ về sự chết của chính mình, cầu nguyện với các thánh và cầu nguyện cho các linh hồn.
【Joseph Martin Quốc Vinh, Ns. Giang Tâm】
Tags
Chia sẻ với ứng dụng khác