Trong di sản văn hóa của loài người, có văn hóa ứng xử với người chết. Nghi lễ cho người chết là để thể hiện sự tôn nghiêm, dù người đó là ai, chết trong trường hợp nào. Không đơn thuần là niềm tin về một linh hồn về cõi bên kia hay siêu thoát, mà quan trọng hơn, những nghi thức đó có giá trị cho những người đang sống, xem cái chết là một cuộc hóa giải tất cả những dục tính của trần thế, kể cả hóa giải hận thù để sống với nguồn suối yêu thương.
Dân gian thường nói gọn một câu: "Chết là hết!". Hết thất tình lục dục, hết nợ hết duyên, hết ân hết oán... Hết đó cũng là hết quá khứ để xây dựng tương lai cho người sống. Câu "nghĩa tử nghĩa tận" có lẽ cũng mang phần nào cái nghĩa ấy.
Văn hóa này tồn tại từ thời thổ dân. Theo các tài liệu nhân chủng học, các bộ tộc đánh nhau để tranh chấp đất đai và đàn bà, thường sau trận đánh, lễ ăn mừng chiến thắng gắn liền với lễ sám hối. Người chiến thắng có thể mang đầu kẻ thù ra tế thần linh, nhưng sau đó lại là các nghi thức ăn năn. Có bộ tộc còn quy định vị tướng ở phe chiến thắng suốt một tháng trời phải ăn chay, tức không được đụng tới thịt để hướng tới sự thiện lành.
Trong trường ca của Homer, anh hùng Achilles sau khi giết chết Hector trong cơn cuồng nộ, vẫn tôn trọng Hector, xem Hector cũng là một anh hùng và chấp nhận lời khẩn cầu của vua Priam trao xác cho người Troia làm nghi thức tang lễ cung đình.
Suốt ngàn năm trung đại, dù chiến tranh diễn ra khốc liệt trong các cuộc tranh chấp đất đai, lãnh thổ và quyền lực, nhưng cách ứng xử văn hóa ấy vẫn được duy trì. Không cần nói xa, chỉ ở lịch sử phương Đông cũng thấy. Lưu Bang giết Hạng Võ xong, vẫn làm nghi thức tang lễ trang trọng cho kẻ thù. Người Việt bao lần đánh giặc ngoại xâm, sau mỗi lần chiến thắng đều làm nghi lễ an táng cầu siêu vong linh cho quân giặc, kể cả lập đền thờ cho tướng giặc. Như Nguyễn Trãi đối xử với quân Minh, Quang Trung đối xử với quân Thanh. Cách làm ấy không chỉ mang nghĩa giải oan cho những vong hồn vì bất đắc dĩ phải bị đẩy vào chiến cuộc, mà quan trọng hơn, hóa giải thù hận giữa các bên. Nhờ cách ứng xử ấy mà cuộc sống nhanh được vãn hồi trật tự và đi đến thái bình.
Chiến tranh, xung đột là vô minh nhưng thường được giải thoát khỏi vô minh khi chính người trong cuộc thật sự đau thương trước cái chết của đồng loại. Nhưng xem chừng, cái văn hóa ứng xử có ý nghĩa thoát khỏi vô minh ấy ngày một tàn lụi dần. Kẻ say sưa với chiến thắng mà không có chút đau thương sẽ càng say máu bạo lực và hận thù. Chúng sẽ tiếp tục rủa sả, lăng mạ cả vong linh những người đã chết, lôi cả hình ảnh người chết ra bêu riếu. Đến lượt bên thua cuộc cũng rủa sả, lăng mạ bên thắng cuộc theo cách tương tự để trả đũa.
Ở đất nước này, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn từng làm điều ấy với nhau, và có lẽ từ đó thành di truyền trong máu của người Việt.
Đó là lý do hầu như hiện nay, sau mỗi cuộc chiến, lẽ ra phải hóa giải hận thù thì người ta lại kích động thêm hận thù. Hận thù đã chồng chất lại thêm chồng chất. Hận thù là mầm mống của bạo lực và bất ổn xã hội.
Người ta khuếch trương phục hưng văn hóa truyền thống, nhưng tại sao cái văn hóa tối thiểu trong ứng xử với người chết không được nói đến một lần? Buồn thê thảm khi sau cuộc chiến tương tàn, dù đã chấm dứt bằng hành động nhưng lại tiếp tục bằng khẩu chiến. Đừng nghĩ khẩu chiến không phải là cái mầm của bạo lực sẽ xảy ra. Khẩu chiến ác độc chính là khẩu nghiệp đấy!
Tin liên quan:
✔️ Có phải do mình bị bệnh nghề nghiệp không?
✔️ Nghiệp báo và giải nghiệp: trường hợp nhà Trần
✔️ Tâm thức nô lệ
✔️ Một quan điểm là quan điểm chung của ai còn nghĩ mình là con người!
✔️ “Bài ca nhỏ cho Đồng Tâm”, sáng tác mới của nhạc sỹ Đức Tiến
✔️ “Người khôn ngoan và thiện lương không ai dùng cái bô để đựng cơm bao giờ!”
✔️ Cuộc chiến truyền thông đã bắt đầu, hãy cố gắng bình tĩnh để bảo vệ phẩm giá người yếu thế...
✔️ Chia tay
✔️ Bán mạng cho chế độ để được gì?
Chu Mộng Long