10 điều “kinh điển” cho mùa dịch corona

Chưa bao giờ thế hệ đang sống hiện nay trải qua kiếp nạn như đại dịch corona này. Bởi vậy, khi nó ra đời ở một quốc gia không thông thoáng về chính trị, truyền thông như Trung Quốc thì tình hình chung có mầu sắc nhiễu động, nhiễu loạn. Từ đó nó cũng tạo nên một không gian dư luận phức tạp, u ẩn và có chiều hướng náo loạn, kể cả thông tin từ một số nguồn chính thống. Source: fb.com/nhabaotulap/posts/10157993592824308

Chưa bao giờ thế hệ đang sống hiện nay trải qua kiếp nạn như đại dịch corona này.

Bởi vậy, khi nó ra đời ở một quốc gia không thông thoáng về chính trị, truyền thông như Trung Quốc thì tình hình chung có mầu sắc nhiễu động, nhiễu loạn.

Từ đó nó cũng tạo nên một không gian dư luận phức tạp, u ẩn và có chiều hướng náo loạn, kể cả thông tin từ một số nguồn chính thống.

Để xây dựng một bộ “code” cho những nhận thức, hành xử trong mùa dịch, tôi (thử) làm một “bộ công cụ tư duy” 10 điểm, trong đó năm điểm cho người dân, năm điểm cho giới lãnh đạo, quản lý.

Hy vọng từ đây chúng ta có những hành xử, ứng xử với đại dịch một cách đàng hoàng, tự tin, tránh lâm vào một cuộc khủng hoảng tâm lý, dẫn tới việc làm xấu hơn cho cuộc sống.

Nếu bạn nhất trí, hãy nêu ý kiến và chia sẻ thật rộng thông tin này để “cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

I. Với cộng đồng


1. Nên hiểu virus corona nếu được phát hiện sớm và kịp thời ứng phó thì không đáng sợ như các căn bệnh thời đại khác.

Khả năng được cứu sống rất cao. Từ đây, không nên duy trì tâm lý hoảng loạn, tuyệt vọng cho mình, cho bạn hữu, gia đình. Hãy dành mọi cố gắng cho việc phát hiện và ứng phó bệnh dịch.

Số người chết vì corona phần lớn nằm ở diện được phát hiện muộn hoặc do bất lực y tế ở vùng dịch ở Trung Quốc.

2. Nhà nước Việt Nam (dù lúc đầu hơi chần chừ vì nhiều lý do) nhưng nay đã vào cuộc rất tích cực và dành nhiều nỗ lực ứng xử với dịch bệnh. Bởi vậy, có thể tin là ở Việt Nam tình hình sẽ khác Trung Quốc, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn tối đa, không có sức bùng phát ghê gớm như ở Trung Quốc.

3. Những con số người bị nhiễm bệnh, cả ở Trung Quốc và nhiều nước khác có thể rất cao, có khả năng bị lấp liếm, là nằm trong hai giả định:

a. Để không làm cho xã hội bấn loạn, hoang mang thêm.

b. Để không bị coi là nặng nề, ảnh hưởng đến uy thế của giới cầm quyền.

Cộng đồng nên “bỏ qua” chuyện này.

Những xã hội chậm tiến thường tiềm ẩn những nghịch lý.

Bới móc ra sự thể, sự thật cũng không làm cho ít đi số ca lây nhiễm hoặc người chết sống lại được. Chuyện thông tin trung thực hay không nói sau. Không nên “hút” dư luận và năng lực xã hội vào việc vạch tội hoặc luận giải chuyện này vào lúc này.

4. Giữ vững “lô cốt gia đình”

Cụm từ “lô cốt gia đình” của tôi nên hiểu là:

▪ Một gia đình hạn chế đến tối đa việc giao du với bên ngoài.

▪ Một gia đình cảnh giác cao độ với việc buộc phải giao du với người khác đến nhà mình.

▪ Một gia đình biết hoặc cố học lấy những phương cách đơn giản nhất để khám, theo dõi và thông báo (khi cần) tình trạng sức khỏe của các thành viên.

▪ Một gia đình chủ động bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến cho những thành viên thân thuộc cách nhận dạng, tồn tại và can thiệp với dịch bệnh.

▪ Một gia đình biết quan sát và quan tâm đến những hộ dân kế cận. Khi thấy bất thường phải thông báo và can dự ngay bằng cách giúp họ đi bệnh viện.

▪ Quan trọng hơn cả là một gia đình biết đặt lợi ích của an toàn sinh mệnh, sức khỏe lên hàng đầu. Nếu có thua thiệt hoặc xáo trộn chút gì về quyền lợi, việc làm, học hành trong thời gian có dịch, sẵn sàng chấp nhận, hy sinh.

5. Biết phân biệt các thông tin về dịch bệnh.

Nếu người ta phát hiện ra ở tỉnh Thanh Hóa có dịch chẳng hạn. Về phép thống kê họ sẽ cho Thanh Hóa một số đếm thêm vào số tỉnh ngày hôm qua.

Nhưng như vậy không có nghĩa là cả tỉnh Thanh Hóa đã là một địa chỉ nguy hiểm. Tỉnh này rộng như một nước nhỏ ở châu Âu. Một xã, một huyện nào đó (như Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chẳng hạn) được phát hiện, ngăn ngừa thì những vùng khác vẫn có thể sống ổn định, phát triển.

Nếu tư duy theo… địa giới hành chính kiểu hiện nay, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khác.

Trong khi đó, ở một tỉnh khác, chưa có thông báo gì về dịch, thì cũng đừng nghĩ là nơi ấy an toàn.

Một xã hội năng động, phát triển hiện nay có thể kéo một bệnh nhân từ Cần Thơ ra Lạng Sơn chỉ trong 6 giờ cho nên việc phòng là phòng, nhưng không nên mặc định là đã có 6 hay 7, 8 tỉnh có dịch… Cách hiểu này không ổn.

Nên hiểu cả Việt Nam là một không gian rộng lớn nằm trong tiềm năng của dịch, để phòng tránh.

II. Với chính phủ


1. Nên biết, những sự kiện như Thiên An Môn hay vụ thảm sát người Ba Lan của hồng quân Liên Xô cách đây rất lâu, xảy ra vào thời chưa có internet nhưng rồi cũng bộc lộ hết.

Nên hiểu những thiệt hại về người và kinh tế ở Trung quốc rồi sẽ bộc lộ hết.

Nên hiểu đại dịch corona hoàn toàn không phải do chính phủ Việt Nam gây ra.

Nó xảy ra ngoài ý muốn, ngoài dự liệu và quy mô chưa từng có ở Việt Nam kể từ năm 1946 đến nay.

Cho nên, những con số thiệt hại về người, thất thiệt về kinh tế đang xảy ra là ngẫu nhiên, là thực tế, là phải có.

Sớm hay muộn nó sẽ bộc lộ rõ ràng hết, trong một thời gian rất ngắn, tôi cho là khoảng 03 tháng là cùng.

Nếu bưng bít, sẽ phải trả giá cho uy tín của chính phủ.

Nếu công khai ra, vừa có tác dụng cảnh tỉnh dân chúng, vừa tạo nhận thức tốt cho cộng đồng, xây dựng tâm thế phòng, tránh và nỗ lực khắc phục kiếp nạn này.

Sức mạnh cộng đồng năm ngay trong sự minh bạch.

Ngược lại, nếu “học” Trung Quốc, bưng bít, làm “mềm” tình hình, gây những hình ảnh che mờ hay khuấy lấp mức độ nguy hiểm, hạ thấp ngưỡng thiệt hại là có lỗi lớn trong quản trị, lãnh đạo.

Sớm nhận thức độ nguy hiểm, sức lây lan và những hậu quả khốc liệt ở Trung Quốc là lớn hơn họ tuyên truyền, thống kê. Hãy nhìn nhận và từng bước bạch hóa điều này để tránh phải chịu chung trách nhiệm với chính phủ Trung Quốc.

2. Sự kiện bi thảm nay chắc chắn đánh động tiêu cực đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Kể cả hết tháng ba dịch bệnh được ngăn chặn thì riêng ngành du lịch thôi, phải “chết điếng” nửa năm nữa.

Nhiều ngành khác cũng vậy. Tránh trời không khỏi nắng.

Từ đây, chính phủ không nên nuôi một tâm thế sợ nói ra, nói thật thì sẽ mất điểm với thế giới, sẽ cản trở sự hồi sinh v.v…

Thời đại 4.0 không gì che giấu được cả.

Cùng là lượng thông tin ấy, ta chủ động bộc lộ ra hay hơn nhiều khi giấu giếm rồi bị moi móc ra.

Sau đại dịch, sức tăng trưởng, sức khỏe nền tài chính, kinh tế suy giảm là điều chắc chắn xảy ra.

Đó là một điểm cần khắc phục.

3. Giới hạn hoặc thậm chí cấm báo chí đăng bài vở theo diện tô hồng thành tích trong hoàn cảnh hiện nay.

Ngay cả khi Việt Nam sớm giập tắt dịch, cũng không phải tín hiệu khả quan, dịch có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.

Trong thời đại ngày nay, những nguy cơ như thế này luôn sẵn sàng xảy ra. Cuộc đấu tranh với loại “Thế lực thù địch” của nhân loại mà kích thước của nó phải đo bằng đơn bị nano mét này khó khăn vô cùng.

Hiện nay môi trường sống, không gian sống của Việt Nam thực chất đang ở mức rất tệ hại trong khi hệ thống pháp lý chưa có gì tỏ ra sắt đá, giầu sức chiến đầu để ngăn chặn những thảm họa tương tự.

Miếng ăn, khí thở, sông ngòi, đều nằm ở ngưỡng nguy hiểm nhưng nếu loại trừ hình ảnh đợt dịch này ra, xem như vẫn bình chân như vại.

Phải thay đổi ngay.

4. Đã đến lúc cần nhìn nhận việc lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ là một điều cực kỳ khó chịu ở nhiều phương diện chứ chưa nói đến chuyện chính trị, gươm đao.

Hiện nay theo con số (chưa kiểm chứng) nhưng có thể tin được, ta còn hàng chục ngàn lao động dưới các dạng bên Trung Quốc.

Hiện số người Việt lấy chồng bên Trung Quốc cũng không ít.

Hãy xem, chỉ đón được 30 người từ Vũ Hán về tốn kém, vất vả như thế nào.

Nay hồi hương, kiểm soát, cách ly làm sao với hàng ngàn người về trên gần 700 km biên giới như nói trên?

Câu chuyện này tôi sẽ nói thêm sau.

5. Hãy nhìn việc Bộ Giáo dục hành xử vừa qua với chỉ một vấn đề khu biệt là chuyện học hay nghỉ trong mùa dịch, đủ thấy một khiếm khuyết lớn trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

Rất yếu.

Bây giờ, không thể muộn hơn, hãy giải tán một số năng lực từ các cơ quan hữu danh vô thực như “Ủy ban bảo vệ bà mẹ, trẻ em”, MTTQ, Đoàn thanh niên, hội Phụ nữ v.v… và thành lập ngay một cơ quan gọi là “Bộ khẩn cấp” như bên Nga và các nước tiến bộ.

Bộ này sẽ có quyền hạn và năng lực giải quyết những vấn đề xử lý những tình huống như hiện nay và những hoàn cảnh tương tự.

Thưa ông nhà nước, nhìn tấm ảnh kèm theo bài này, các vị sẽ dễ nhận thấy: 12 cái đinh liên kết với nhau tồn tại trên một tình thế rất… hiểm nghèo.

Nhưng bởi nó gắn kết với nhau bằng một kết cấu hợp lý, tạo được sự thăng bằng nên dù không cần keo dính, chốt hãm, vẫn ung dung tồn tại.

Tôi muốn nói với các vị: tất cả là ở chính sách.

Cả vấn đề chống dịch lẫn vấn đề phát triển kinh tế hoặc giữ cho đất nước được phát triển, đều nằm ở yếu tố chính sách.

Mùa dịch corona có thể sẽ qua đi nhưng những trở lực, biến động bởi môi trường khí hậu, nhân văn, tài nguyên, giáo dục, giao thông Việt Nam hãy còn nguyên đó!.

Thưa cộng đồng, dù chưa đầy đủ, chưa phải là sự đầu tư trí tuệ đích đáng nhưng “của riêng còn một chút này” hôm nay tôi viết văn bản này gửi cộng đồng và chính phủ, hy vọng sẽ được chia sẻ, nhân rộng ra và nó sẽ trở thành cái nền cho những tư duy hợp lý phát triển.

Nguyễn Huy Cường
Tin liên quan:
✔️ Câu chuyện sống chết có số
✔️ Không phải kỳ thị mà là biện pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh
✔️ Đặt cược bằng sinh mạng của con cái người khác
✔️ Thư gửi các bậc phụ huynh mùa dịch COVID-19…
✔️ Vũ Hán ăn năn: Trung Quốc đã bỏ lỡ thời kỳ quan trọng để khống chế dịch virus corona như thế nào?
✔️ Virus corona: Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối

Bài về chủ đề Đề xuất:
Về đầu trang