Tuy nhiên, nó đã bị gỡ bỏ trên website của China News Weekly cũng như các trang thông tin khác của Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Dưới đây là toàn văn bài báo dựa trên các bản được lưu lại ở các nguồn khác.
Vũ Hán ăn năn: Trung Quốc đã bỏ lỡ thời kỳ quan trọng để khống chế dịch virus corona như thế nào?
10.02.2020
Ngày 5.2, tuần san Trung Quốc Tân Văn (China News Weekly) của Tân Văn Xã đã đăng bài báo dài phục dựng các cột mốc thời gian của dịch virus corona Vũ Hán. Cột mốc tập trung vào việc khám phá virus cũng như phản ứng của chính quyền địa phương trong khoảng thời gian then chốt từ 1.12.2019 đến 20.1.2020. Bài báo cũng gián tiếp nêu lên câu hỏi về trách nhiệm cũng như những gì đã bị bỏ lỡ trong quá trình ra quyết sách của Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh.
Tuy nhiên, nó đã bị gỡ bỏ trên website của China News Weekly cũng như các trang thông tin khác của Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Dưới đây là toàn văn bài báo dựa trên các bản được lưu lại ở các nguồn khác.
Tuy nhiên, nó đã bị gỡ bỏ trên website của China News Weekly cũng như các trang thông tin khác của Trung Quốc chỉ trong vòng một ngày. Dưới đây là toàn văn bài báo dựa trên các bản được lưu lại ở các nguồn khác.
Ngày 31 tháng 12 năm 2019 chứng kiến một thông báo làm nhiễu loạn tâm tình phấn chấn của người dân Trung Quốc khi họ chuẩn bị đón năm mới. Lan truyền trên các trang mạng xã hội là một tài liệu với tiêu đề chữ đỏ có con dấu chính thức của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, phát đi một thông báo khẩn cấp: “Các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân đã xuất hiện liên tục tại Chợ hải sản Hoa Nam của Vũ Hán”.
Thông báo này lập tức kích hoạt nỗi sợ hãi: nó có thể là một ổ dịch SARS mới không?
Ngay ngày trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã nghe các đồng nghiệp của anh ta nói rằng bảy bệnh nhân SARS từng có mặt ở chợ hải sản đang được cách ly tại Khoa cấp cứu của bệnh viện. Khoảng 5 giờ chiều hôm đó, anh ta đã chia sẻ một tin nhắn với các bạn đại học cũ của mình trong một nhóm WeChat, giải thích “gọi nó là SARS thì không hoàn toàn chính xác, nó dường như là một loại virus corona. Nhưng thành phần cụ thể của nó đang chờ xác nhận”.
Anh ta đã khuyến khích những người trong nhóm hãy chú ý đến sự an toàn của họ, đồng thời bảo họ giữ bí mật thông tin. Tuy nhiên, ảnh chụp màn hình bài đăng trên WeChat của anh ta cho thấy dòng chữ “bảy trường hợp SARS được xác nhận tại Chợ Hải sản Hoa Nam” đã bị rò rỉ từ nhóm và lan truyền nhanh chóng trên internet.
Vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng 31 tháng 12, Lý Văn Lượng nhận được một cuộc gọi điện thoại triệu tập anh đến Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán. “Ủy ban Y tế đã tổ chức một cuộc họp xuyên đêm, có lẽ là một cuộc thảo luận về cách xử lý ổ dịch. Tất cả lãnh đạo tại bệnh viện và bệnh xá của chúng tôi đều có mặt”, Lý kể.
Sau cuộc họp, các lãnh đạo bệnh viện đã thẩm vấn anh ta về nguồn gốc tin nhắn và cho anh ta về nhà vào khoảng 4 giờ sáng. Khi trời sáng, Lý đến khoa giám sát của bệnh viện thêm hai hoặc ba lần, nơi anh ta liên tục bị tra hỏi kiến thức về bệnh truyền nhiễm và liệu anh ta có nhận thức được “lỗi lầm trong việc lan truyền tin đồn” hay không. Anh ta được lệnh viết một bài tự kiểm với chủ đề “không truyền bá thông tin sai lệch”.
Chiều hôm đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã đưa ra một thông báo: Gần đây, một số tổ chức y tế đã chẩn đoán nhiều trường hợp viêm phổi liên quan đến Chợ hải sản Hoa Nam: tổng số ca bệnh đã lên tới 27, trong đó bảy bệnh nhân đang trong tình trạng nghiêm trọng. Thông báo tiếp tục nói rằng “chưa phát hiện dấu hiệu rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người và chưa phát hiện nhân viên y tế nào nhiễm bệnh”.
Nhóm chuyên gia đầu tiên của Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) đã đến Vũ Hán trong cùng ngày.
Thông báo của chính quyền Vũ Hán nhanh chóng hạ nhiệt cuộc bàn tán về chủ đề này. Nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm, có thể an tâm chào đón thập niên thứ ba của thế kỷ 21. Có ai biết đó chỉ là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng toàn quốc sẽ làm lu mờ quy mô của dịch SARS và trong vòng một tháng sẽ được Tổ chức Y tế Thế giới xem là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu?
“Xử lý lạnh”
Sau khi Vũ Hán lần đầu tiên đưa ra thông báo về “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” vào ngày 31 tháng 12, một phóng viên của China News Weekly đã đến Chợ hải sản Hoa Nam và nhận thấy hoạt động kinh doanh tại chợ vẫn tấp nập và rất ít người đeo khẩu trang. Theo các hộ kinh doanh, chợ đã được khử trùng nhiều lần sau khi dịch bệnh bùng phát. Chợ Hoa Nam đã hoạt động trong nhiều năm, có khoảng 600 cửa hàng ở hai khu đông và tây, nằm ở giữa Vũ Hán, chỉ cách ga xe lửa Hán Khẩu một cây số.
Một người dân Vũ Hán mô tả: “Ngoài mặt họ bán hải sản, nhưng kỳ thực họ nổi tiếng với việc buôn bán chó mèo, rắn rùa sống, nhiều loại gà lôi, sóc đất, hươu sao, khỉ sống và các loại khác”.
Dưới sự truy vấn của các phóng viên vội vã đến hiện trường để đưa tin về câu chuyện, Chợ hải sản Hoa Nam chính thức bị đóng cửa vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, để điều chỉnh các hoạt động theo đúng quy định.
Sau này, Trương Tác Phong, giáo sư dịch tễ học và phó viện trưởng Viện Y tế công cộng của Đại học California, Los Angeles (UCLA), đã chỉ ra rằng ngay từ ngày 8 tháng 12, nhiều người tại chợ Hoa Nam đã nhiễm một loại virus corona mới theo thông báo sau đó của các cơ quan y tế Vũ Hán. Giáo sư Trương nói nếu trong tuần lễ đó, các bước như đóng cửa ngôi chợ, cách ly bệnh nhân, các ca nghi ngờ và những người mà họ đã tiếp xúc được thực hiện, thì bệnh dịch sẽ không phát triển đến mức độ nghiêm trọng như bây giờ.
Thay vào đó, trong suốt 22 ngày cho đến ngày 1 tháng 1, khi chợ Hoa Nam rốt cuộc bị đóng cửa, nhiều người Vũ Hán tiếp xúc với virus và cơ hội tốt nhất để kiểm soát bệnh truyền nhiễm đã bị bỏ lỡ.
Cũng trong ngày đầu năm, tài khoản Weibo chính thức của Công an Vũ Hán, (@PeacefulWuhan) đã đăng một bài viết nói rằng “một số công dân, trong tình huống không qua xác minh, đã công bố và lưu hành thông tin không trung thực, gây ra tác động xấu đối với xã hội. Sau khi tiến hành điều tra để xác minh tình hình, các cơ quan công an đã triệu tập tám người có hành động trái pháp luật và xử lý theo luật”.
Bài đăng trên Weibo này đã bị xóa khoảng 20 ngày sau đó.
Sáng ngày 3 tháng 1, Lý Văn Lượng nhận được một cuộc gọi khác, lần này là từ đồn cảnh sát. Anh ta bị triệu tập đến đó và phải ký vào một “huấn giới thư” liên quan đến “những tuyên bố sai sự thật” đã đăng trên mạng. Sau đó, trưởng khoa tại bệnh viện của anh ta đã đưa ra những chỉ dẫn không được lan truyền thông tin liên quan trên internet.
Lâm Vũ (tên đã thay đổi), một bác sĩ tại Bệnh viện Hiệp Hòa (Union Hospital) liên kết với Trường Y khoa Đồng tế (Tongji) của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, đã mô tả hồi ức của mình trong một cuộc phỏng vấn với China News Weekly. Ông nói tại thời điểm bắt đầu bùng phát, chính sách của chính quyền thành phố Vũ Hán đối với vấn đề này là “xử lý lạnh”. Bệnh viện nơi Lâm làm việc đã đưa ra một thông báo nói rằng trừ khi có sự cho phép rõ ràng từ đơn vị làm việc, không ai được phép thảo luận về bệnh tật qua các kênh liên lạc cá nhân của họ hoặc phỏng vấn với giới truyền thông.
Ngoài hệ thống lâm sàng, thông tin cũng được kiểm soát chặt chẽ tại khoa kiểm soát nhiễm trùng của bệnh viện và tại CDC. “Không được nói bất kỳ điều gì”. Điều duy nhất bác sĩ có thể làm là liên tục hối thúc những người đến khám bệnh: “đeo khẩu trang, nhất định phải mua và đeo khẩu trang”. Họ cũng phát ra những câu nói giỡn đầy ẩn ý, chẳng hạn như “tránh xa chợ hải sản Hoa Nam , các sản phẩm ở đó không được tươi”.
Từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán không đưa ra thông báo nào về tình trạng dịch bệnh. Bốn ngày này trùng với thời điểm nhóm họp của “Lưỡng hội” (Hội nghị chính hiệp và Đại hội đại biểu nhân dân) tại Vũ Hán.
Từ Kiến Quốc, viện sỹ Viện Kỹ thuật Trung Quốc và là tổ trưởng tổ chuyên gia được giao nhiệm vụ đánh giá kết quả xét nghiệm về bệnh viêm phổi Vũ Hán, phát biểu vào ngày 9 tháng 1 rằng kết luận sơ bộ mà họ đưa ra là mầm bệnh đã lây nhiễm cho nhiều người ở Vũ Hán có dạng virus corona. Theo thông tin bị rò rỉ bởi những người trong cuộc, nhóm chuyên gia ban đầu ngoài Từ Kiến Quốc còn có Lý Hưng Vượng, chủ nhiệm trung tâm nghiên cứu và điều trị của khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Bắc Kinh Địa Đàn và Tào Bân, chủ nhiệm khoa hô hấp và bệnh cấp tính tại Bệnh viện Hữu nghị Trung -Nhật tại Bắc Kinh.
Vào ngày 11 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán thông báo số ca được xác nhận đã tăng lên 41, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong; ủy ban nhắc lại rằng “chưa phát hiện nhân viên y tế nào bị mắc bệnh và chưa phát hiện chứng cứ rõ ràng về lây truyền từ người sang người”. Cùng ngày, Vương Quảng Phát, thành viên tổ chuyên gia y tế quốc gia và chủ nhiệm khoa hô hấp và bệnh cấp tính tại Bệnh viện Số một của Đại học Bắc Kinh đã trả lời phỏng vấn các phóng viên, nói rằng tình hình ở Vũ Hán là “có thể phòng ngừa và có thể kiểm soát”.
Nhưng 11 ngày sau, người ta biết rằng chính Vương Quảng Phát đã nhiễm virus viêm phổi. Trong một thời gian, ông là tâm điểm trên phương tiện truyền thông xã hội. Vào ngày 1 tháng 2, sau khi hồi phục hoàn toàn, Vương nói rằng từ các tài liệu mà họ đã xem vào thời điểm đó - báo cáo ban đầu về 41 ca đã được công bố trên The Lancet - hoàn toàn không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.
Một người am hiểu nội tình nói với China News Weekly rằng tổ chuyên gia thứ hai đã có mặt tại Vũ Hán trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 16 tháng 1 để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ này bao gồm Vương Quảng Phát; Bác sĩ chủ nhiệm Khoa số hai của Bệnh viện Địa Đàn Tưởng Vinh Mãnh; Chủ nhiệm Khoa Hô hấp và nội khoa tại Bệnh viện Nhân dân của Đại học Bắc Kinh Cao Chiêm Thành và các chuyên gia lâm sàng khác. Cùng tham gia tổ là phó giám đốc CDC Trung Quốc Phùng Tử Kiện và cựu phó giám đốc Dương Duy Trung và các chuyên gia kiểm soát bệnh tật khác.
Liên quan đến vấn đề này, vào sáng sớm ngày 15 tháng 1, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đã ban hành một bộ “Hỏi & Đáp về dịch viêm phổi virus corona mới”. Trong tài liệu này, mô tả chính thức về sự lây nhiễm của bệnh viêm phổi do virus corona mới lần đầu tiên được thay đổi: “vẫn chưa phát hiện bằng chứng rõ ràng về lây truyền từ người sang người và không thể loại trừ khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người nhưng nguy cơ lây truyền được duy trì từ người sang người là thấp”. Sự xuất hiện lần đầu tiên của trường hợp nhiều người trong cùng một gia đình mắc bệnh cũng được xác nhận vào ngày hôm đó. Trong một cặp vợ chồng bị bệnh, người vợ phủ nhận rằng cô đã đến chợ Hoa Nam.
Trong khoảng thời gian từ ngày 12 tháng 1 đến ngày 17 tháng 1, Vũ Hán không thông báo ca bệnh mới nào. Trong thời gian này, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc và Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hồ Bắc đã tổ chức các cuộc họp.
Nhưng trong những ngày Vũ Hán không thông báo về bất kỳ ca nhiễm mới nào, các trường hợp nhiễm virus corona bắt đầu xuất hiện ở nước ngoài. Vào ngày 13 tháng 1, nhà chức trách Thái Lan thông báo một bệnh nhân viêm phổi đã được chẩn đoán nhiễm virus corona Vũ Hán. Vào ngày 16 tháng 1, Nhật Bản đã xác nhận trường hợp đầu tiên. Bệnh nhân là một công dân Trung Quốc, nhưng chưa từng đến chợ Hoa Nam. Có thể bệnh nhân đã tiếp xúc gần với một ai đó bị bệnh viêm phổi mới. Thái Lan công bố trường hợp thứ hai vào ngày 17 tháng 1: một phụ nữ 74 tuổi có quốc tịch Trung Quốc. Phản ứng trước những báo cáo này, CDC của Hoa Kỳ đã công bố kiểm tra y tế tại ba sân bay lớn cho hành khách trên các chuyến bay đến từ Vũ Hán.
Vào sáng sớm ngày 18 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã nối lại các thông báo công khai về dịch bệnh, cho biết trong vòng 24 giờ ngày 16 tháng 1, bốn ca mới đã được phát hiện. Vào sáng sớm ngày 19 tháng 1, thành phố Vũ Hán đã đưa ra một thông báo cho biết 17 bệnh nhân đã được phát hiện nhiễm virus corona mới trong ngày 17 tháng 1, nâng tổng số trường hợp được xác nhận lên 62.
Trong ngày 18 tháng 1, khu phố Bách Bộ Đình ở Vũ Hán đã tổ chức một bữa tiệc lớn cho 10.000 gia đình (vạn gia yến), với 13.986 món ăn được phục vụ trong hội trường chính của Trung tâm hoạt động quần chúng của Đảng và chín hội trường phụ.
Trả lời chất vấn liên quan đến tranh cãi xung quanh “vạn gia yến” được tổ chức ở Bách Bộ Đình, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng cho biết “lý do chúng tôi tiếp tục tổ chức sự kiện này trong năm nay dựa trên phán đoán trước đây của chúng tôi rằng dịch bệnh chỉ lây lan hạn chế giữa mọi người, vì vậy, không có đủ cảnh báo về điều này”.
Cuộc chạy đua nghiên cứu
Một cuộc chạy đua nghiên cứu khoa học khởi tranh khi tổ chuyên gia đầu tiên của Ủy ban Y tế quốc gia đến Vũ Hán vào ngày 31 tháng 12. Lúc 10 giờ tối ngày 30 tháng 12, tổ của Thạch Chính Lệ, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Viện Virus học Vũ Hán - đã được CDC Vũ Hán ủy nhiệm kiểm tra mẫu từ một số bệnh nhân. Vào ngày 2 tháng 1, họ đã giải trình tự toàn bộ bộ gien của virus, xác nhận nó là một loại virus corona mới. Vào ngày 5 tháng 1, virus đã được phân lập thành công và Thạch đã cung cấp phát hiện cho WHO theo chỉ dẫn của NHC.
Trong lúc đó, vào ngày 26 tháng 12 năm 2019, nhóm nghiên cứu do Trương Vĩnh Chấn, một chuyên gia về virus học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm Trung Quốc và là giáo sư kiêm chức tại Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải của Đại học Phúc Đán, đã tiếp nhận một mẫu được cung cấp bởi Bệnh viện Trung ương Vũ Hán và CDC Vũ Hán từ một bệnh nhân bị sốt không rõ nguyên nhân. Sáng ngày 5 tháng 1, Trung tâm đã phát hiện một loại virus corona mới trong một mẫu và tìm ra toàn bộ trình tự gien của mầm bệnh thông qua kỹ thuật giải trình tự thông lượng cao. Những phát hiện này được công bố vào ngày 10 tháng 1.
Bất kể ai là người chiến thắng cuộc đua phân lập virus này, các nhà khoa học Trung Quốc đã có thể lấy mẫu và giải mã mầm bệnh và đưa kiến thức này đến với phần còn lại của thế giới trong một thời gian rất ngắn so với tình huống trong dịch SARS, khi những sai lầm phạm phải trong việc xác định mầm bệnh dẫn đến sự chậm trễ đáng kể. Những nỗ lực của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế nhất trí ngợi ca, coi thành công này như là một khởi đầu tốt để kiểm soát ổ dịch.
Sau khi dữ liệu về virus corona mới được công bố, một “cuộc chạy đua luận văn” giữa các nhà khoa học Trung Quốc đã khởi tranh. Vào ngày 21 tháng 1, hai trường đại học ưu tú của Trung Quốc đã phát sinh xung khắc “trong một cuộc đua xuất bản luận văn”. Tổ nghiên cứu khoa học Cao Sơn của Đại học Nam Khai đã công bố “Phân tích tin sinh học của trình tự virus Vũ Hán 2019” trên tập san định kỳ tiếng Trung “Tin sinh học” (Bioinformatics). Việc này đã tạo ra những lời chỉ trích từ Trương Vĩnh Chấn của Đại học Phúc Đán, người tuyên bố tập san đã sử dụng và công bố các số liệu do ông thu thập mà không có sự đồng ý của ông. Cao Sơn trả lời bằng cách nói rằng dữ liệu đã được công khai, nó không còn bị hạn chế bản quyền và những người khác có thể sử dụng.
Điều thực sự gây xôn xao dư luận là một bài báo ngày 29 tháng 1, được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, đứng tên các đồng tác giả Phùng Tử Kiện, phó giám đốc CDC Trung Quốc; Dương Ba, giám đốc CDC Hồ Bắc; và Cao Phúc, giám đốc CDC Trung Quốc và là viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Trong một phân tích về 425 bệnh nhân nhiễm virus corona tính đến ngày 22 tháng 1, bài báo cho thấy 55% số ca nhiễm xảy ra trước ngày 1 tháng 1 năm 2020 có liên quan đến Chợ hải sản Hoa Nam, trong khi chỉ có 8,6% các ca nhiễm xảy ra sau năm mới là có liên quan. Đáp lại, Vương Lập Minh, giáo sư tại Đại học Chiết Giang, viết trên Weibo rằng, “từ bài báo này, có thể thấy CDC quốc gia đã có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 1, vậy thì thông tin này được che đậy ở thời điểm nào”?.
Trong khoảng thời gian chỉ hai giờ, câu hỏi của Vương Lập Minh đã được đăng lại và bình luận bởi hàng chục ngàn cư dân mạng. Cao Phúc và CDC Trung Quốc bất ngờ đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng. Một số người chỉ ra Cao Phúc là một nhà virus học, và do vậy, thiếu kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh và y tế cộng đồng.
Đáp lại, phó giám đốc CDC Trung Quốc Phùng Tử Kiện giải thích vào ngày 31 tháng 1 rằng các tác giả đã lấy được dữ liệu vào ngày 23 tháng 1 và đã phân tích hồi cứu, và tất cả các trường hợp đã được công khai trước khi luận văn được soạn.
Eric Rubin, tổng biên tập tạp chí New England Journal of Medicine và là chủ nhiệm khoa Miễn dịch và Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Harvard, cho biết bài báo được xuất bản chỉ sau 48 giờ kể từ lúc được gửi đến. Cao Phúc nói với China News Weekly: “Tôi chỉ muốn tìm cách để ngăn chặn dịch bệnh, tôi không muốn nói đến chuyện gì khác. Nhiều người chuyển từ sự cực đoan này sang sự cực đoan khác. Tôi nên nói gì đây? Tôi chỉ làm công việc của mình”.
Trên thực tế, trước khi Cao Phúc và cộng sự xuất bản luận văn đó, một số luận văn đã thảo luận về khả năng bùng phát dịch. Vào ngày 24 tháng 1, một luận văn được Hoàng Triều Lâm, phó giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm, bệnh viện được chỉ định ứng phó virus corona mới ở Vũ Hán, xuất bản trên tờ The Lancet đã chỉ ra rằng 14 trong số 41 trường hợp đầu tiên ở Vũ Hán không có tiền sử tiếp xúc ở chợ hải sản Hoa Nam, điều đó có nghĩa là chợ không phải là nguồn dịch duy nhất. Luận văn khẳng định ca nhiễm đầu tiên tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán xuất hiện từ ngày 1 tháng 12 năm 2019, và trường hợp này không liên quan đến việc tiếp xúc ở chợ Hoa Nam.
Điều này có nghĩa là con người lần đầu tiên nhiễm virus ngay từ tháng 11 năm ngoái và lây lan cho đến khi bạo phát tại chợ hải sản Hoa Nam vào tháng 12.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy tính đến cuối tháng 1, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố tổng cộng sáu bài báo trên tờ The Lancet và New England Journal of Medicine về bệnh viêm phổi Vũ Hán. Trương Tác Phong nói rằng kết quả nghiên cứu khoa học về bệnh viêm phổi Vũ Hán là hạng nhất và các bài báo đã được công bố trên nhiều tạp chí nổi danh trong một thời gian ngắn.
Vào ngày 30 tháng 1, Bộ Khoa học và Công nghệ tuyên bố “các đơn vị thực hiện dự án và các nhà nghiên cứu khoa học trước hết phải tuân theo lợi ích của quốc gia và nhân dân”, viết báo “vì tổ quốc” và áp dụng thành quả nghiên cứu của họ vào công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Cho đến khi nhiệm vụ phòng chống và kiểm soát dịch bệnh hoàn thành, họ không nên tập trung vào việc xuất bản các bài báo của mình.
Trong thực tế, dựa vào quan sát từ những phát triển ban đầu trong đợt bùng phát, những dữ liệu và kết luận nghiên cứu có ý nghĩa hướng dẫn này không được tiết lộ cho công chúng Trung Quốc, và cũng không được áp dụng để chống lại sự bùng phát kịp thời. Sai lầm xảy ra ở đâu trong quá trình ra quyết sách của chính phủ vẫn là một vấn đề bí ẩn.
Vai trò của CDC Trung Quốc
Cũng mơ hồ như thế là vai trò của các cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc trong quá trình ra quyết sách.
Hệ thống theo dõi các bệnh truyền nhiễm đã được tái thiết vào năm 2004 sau khi SARS phơi bày những vấn đề lớn mà nó gặp phải. Bà Dương Công Hoán, cựu phó giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc nói với China News Weekly rằng CDC Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống báo cáo trực tuyến bao phủ tất cả các phần của Trung Quốc theo chiều ngang và và kết nối theo chiều dọc đến tận máy tính tại các trung tâm y tế của thị trấn. Khi có một trường hợp bệnh truyền nhiễm, bao gồm viêm phổi không điển hình, được phát hiện, các bệnh viện phải báo cáo trực tiếp trong hệ thống này và CDC Trung Quốc ở tất cả các cấp có thể nhận biết ngay lập tức. CDC Trung Quốc có một nhóm người có nhiệm vụ giám sát hệ thống và viết báo cáo phân tích mỗi ngày. Khi có hơn 5 trường hợp viêm phổi không điển hình ở một địa phương, một cơ chế xác minh sẽ được kích hoạt tự động: Trung Quốc CDC sẽ phái người tiến hành điều tra dịch tễ học, thăm bệnh và lấy mẫu.
Dương Công Hoán nhấn mạnh hệ thống báo cáo này không phân cấp; CDC Trung Quốc tại Bắc Kinh thấy báo cáo ca bệnh ngay khi một bệnh viện báo cáo trong hệ thống. “Tại bất cứ nơi nào trên khắp Trung Quốc, ngay cả ở cấp thấp nhất, miễn có trường hợp được báo cáo, dù chỉ là một trường hợp, chúng tôi tại CDC Trung Quốc có thể thấy nó trong hệ thống”.
Ở Vũ Hán, dịch bệnh hiện nay là một bệnh truyền nhiễm mới do một loại virus mới gây ra. Cựu giám đốc CDC Trung Quốc Lý Lập Minh nói với China News Weekly rằng Trung Quốc đã sửa đổi “Luật phòng chống và điều trị bệnh truyền nhiễm” vào ngày 1 tháng 12 năm 2004. Trong các bệnh truyền nhiễm loại B, họ đã bổ sung “bệnh viêm phổi không điển hình truyền nhiễm” nhưng quy định cùng mức độ phòng chống và khống chế như với bệnh truyền nhiễm loại A. Ngoài ra, luật sửa đổi yêu cầu phải báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn khi xuất hiện “bùng phát các bệnh truyền nhiễm khác và lan truyền hoặc đột phát các bệnh truyền nhiễm không thể xác định”.
Nhưng việc theo dõi thời gian thực bởi các cơ quan kiểm soát dịch bệnh không nhất thiết dẫn đến các thông báo được đưa kịp thời và các quyết định kịp thời. Theo Luật Phòng chống và Điều trị bệnh truyền nhiễm, “cơ quan hành chính y tế thuộc Quốc vụ viện có trách nhiệm công bố thông tin về bệnh truyền nhiễm khi có dịch”.
Về công bố dịch bệnh, Tăng Quang, nhà dịch tễ học chính của CDC Trung Quốc nói với China News Weekly rằng CDC Trung Quốc “chỉ có quyền làm việc”, nó có thể thu thập và phân tích dữ liệu nhưng không phải là cơ quan ra quyết định. Để so sánh, CDC Hoa Kỳ là một tổ chức chính phủ có quyền lực hành chính trong khi CDC Trung Quốc không có quyền lực như vậy. Trong hệ thống y tế của Trung Quốc, CDC Trung Quốc hoàn toàn yếu và họ chỉ có thể thảo luận về dịch bệnh khi chính phủ cho phép họ làm như vậy. CDC Trung Quốc chủ yếu là một tổ chức kỹ thuật; liên quan đến công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, nó chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị, chứ không phải là quyết định.
Hoàng Nghiêm Trung, giáo sư và giám đốc nghiên cứu y tế toàn cầu tại Trường Ngoại giao và Quan hệ quốc tế của Đại học Seton Hall, và là nghiên cứu viên cao cấp về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với China News Weekly rằng CDC Trung Quốc là một tổ chức thuộc Ủy ban Y tế quốc gia (NHC), và phục vụ như một đơn vị kỹ thuật và hỗ trợ. Mặc dù nó là một hệ thống từ trên xuống đạt đến cấp quận huyện, nhưng nó có quyền hạn hạn chế và không có quyền công khai thông tin về dịch bệnh. Mặt khác, tuy CDC Hoa Kỳ là một phần của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nó có tính độc lập đáng kể, bao gồm quyền công bố dịch bệnh và tiến hành các biện pháp ứng phó.
Chung Nam Sơn đến Vũ Hán
Ngày 20 tháng 1 là một bước ngoặt. Vào ngày này, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đã cập nhật dữ liệu của hai ngày trước đó: vào ngày 18 và 19, có 136 trường hợp mới được chẩn đoán. Lần đầu tiên, thông báo của Ủy ban Y tế Vũ Hán loại bỏ các tuyên bố trước đây rằng “không thể loại trừ việc lây truyền hạn chế từ người sang người”, và “nguy cơ lây truyền từ người sang người là tương đối thấp”.
Tổ chuyên gia cao cấp do viện sỹ Viện Kỹ thuật Trung Quốc Chung Nam Sơn làm tổ trưởng được NHC phái đi đã đến Vũ Hán ngày 19 tháng 1 để điều tra tình hình dịch bệnh và chỉ đạo công tác phòng chống. Vào tối ngày 20 tháng 1, Chung Nam Sơn đã xuất hiện trên chương trình phỏng vấn trực tiếp “News 1 + 1” của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), xác nhận virus corona mới có thể lây từ người sang người và 14 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh khi chăm sóc cho một bệnh nhân.
Tin tức này đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng. Ngày hôm sau, vào ngày 21 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán thông báo 15 nhân viên y tế ở Vũ Hán đã bị nhiễm bệnh và một người bị nghi nhiễm.
Cũng vào ngày 21 tháng 1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Lượng nói với CCTV rằng việc lây nhiễm của các nhân viên y tế xảy ra tại Bệnh viện Hiệp Hòa trong quá trình điều trị cho một bệnh nhân tại Khoa Phẫu thuật não. “Khoa phẫu thuật não phớt lờ việc anh ta bị nhiễm virus corona trước khi nhập viện. Sau cuộc phẫu thuật anh bắt đầu bị sốt. Vào thời điểm đó, một bác sĩ và 13 y tá đã bị nhiễm bệnh”.
Tuy nhiên, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Hiệp Hòa đã phản ứng với viên thị trưởng trên phương tiện truyền thông xã hội, nói rằng không có chuyện “phớt lờ”!
Triệu Quân Thật (tên đã được thay đổ), 69 tuổi, với khối u tuyến yên là bệnh nhân mà thị trưởng Vũ Hán đề cập đến, và ông ta không có liên hệ với ngôi chợ Hoa Nam. Vào tháng 12 năm 2019, ông ta được đưa vào khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã không phát hiện ra bất kỳ triệu chứng hô hấp nào. Ông ta có tiền sử hút thuốc và việc ông ta bị viêm phổi hoặc có dấu hiệu dày lên trong phổi là bình thường. Vì vậy, gần như không có lý do nào để tin rằng bệnh nhân cần được cách ly, hoặc các bác sĩ và y tá cần được phòng hộ ở cấp độ Ba, thường chỉ được yêu cầu khi thực hiện phẫu thuật mở khí quản.
Cuộc phẫu thuật được tiến hành vào ngày 7 tháng 1 năm 2020. Sau cuộc phẫu thuật, Triệu Quân Thật đã thay đổi phòng bệnh bốn lần. Ngày thứ ba sau khi phẫu thuật ông ta bị nhiễm trùng phổi và vào ngày thứ năm, ông ta được coi là có bệnh “giống như viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Các nhân viên y tế đã tiếp xúc với ông ta bắt đầu bị sốt. Vào ngày 15 tháng 1, Triệu Quân Thật được chẩn đoán bị nhiễm virus corona.
Trong quá trình này, 10 y tá tại khoa phẫu thuật thần kinh và bốn y tá trong khoa phẫu thuật nhi khoa, phụ khoa, phẫu thuật tim và khoa tim mạch đã bị nhiễm bệnh. Đến ngày 19 tháng 1, Trung tâm kiểm tra sức khỏe của bệnh viện Hiệp Hòa đã được trưng dụng để làm “các khu bệnh truyền nhiễm”. Ở tầng bốn, bệnh viện đã thiết lập phòng cách ly cho các nhân viên y tế nghi ngờ nhiễm bệnh. Vào lúc cao điểm, hơn 20 người đã bị nghi ngờ. Bác sĩ Lý Văn Lượng bắt đầu bị sốt và buồn nôn 10 ngày sau khi anh ta bị khiển trách vì truyền bá thông tin sai lệch. Vào ngày 14 tháng 1, anh phải nhập viện tại các phòng cách ly trong khoa hô hấp và được xác nhận đã bị nhiễm bệnh vào ngày 1 tháng 2.
Vào ngày 20 tháng 1, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra những chỉ thị quan trọng về dịch virus corona. Trong ngày hôm đó, Quốc vụ viện đã phê chuẩn liệt kê bệnh viêm phổi virus corona mới là một bệnh truyền nhiễm Loại Hai - giống như SARS - nhưng áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cao nhất, được sử dụng cho bệnh dịch hạch và bệnh tả. Vào thời điểm đó, đánh giá của các chuyên gia về dịch bệnh vẫn là “có thể phòng ngừa và có thể kiểm soát”.
Cho đến lúc này, bắt đầu khoảng từ 10 ngày trước đó, vào ngày 10 tháng 1, cuộc “xuân vận” dịp năm mới của người Trung Quốc đã bắt đầu. Vào ngày 20 tháng 1, Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Đông cũng đã xác định lần lượt 1, 5 và 14 trường hợp mắc bệnh viêm phổi virus corona mới. Đó cũng là lần đầu tiên các tỉnh khác công bố về bệnh dịch. Hầu hết tất cả các trường hợp này là du nhập với một lịch sử du lịch hoặc cư trú ở Vũ Hán trong thời gần đó, hoặc có quan hệ mật thiết với một bệnh nhân. Từ ngày 21 tháng 1, NHC bắt đầu thông báo các ca nhiễm mới trên toàn quốc theo từng ngày.
Trong khi số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng và căn bệnh này đã lan sang các vùng khác của đất nước, thì tại Vũ Hán, các hoạt động có sự tham dự của số lượng lớn người đã diễn ra theo kế hoạch. Chiều ngày 20 tháng 1, Cục Quản lý ứng phó tình trạng khẩn cấp tỉnh Hồ Bắc đã tổ chức buổi liên hoan nghênh xuân với chủ đề “lấy mồ hôi để tưới cho vụ mùa, làm việc chăm chỉ để kiên định tiến về phía trước”.
Vào ngày 21 tháng 1, buổi văn nghệ mừng xuân của chính quyền tỉnh đã được tổ chức tại lễ đường Vũ Hán Hồng Sơn nơi Bí thư tỉnh ủy Tưởng Siêu Lương, Tỉnh trưởng Vương Hiểu Đông và đại diện của tất cả các ngành trong tỉnh thưởng thức các bài hát và điệu nhảy. Theo tài khoản mạng xã hội của Ca vũ đoàn Dân tộc tỉnh Hồ Bắc, hơn 40 nghệ sĩ của ca vũ đoàn đã tham gia lễ hội. “Tại Vũ Hán, đeo nhiều lớp khẩu trang và vượt qua sự hoảng loạn, mọi người đều biểu diễn với sự chuyên nghiệp và tận tâm… Tại Hiếu Cảm, những nghệ sĩ tiếp tục biểu diễn với cùng sự hăng hái mặc dù một số người đang run lên vì sốt”.
Vào ngày 21 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ban bố thêm hai thông báo về 258 trường hợp nhiễm virus corona tính đến nửa đêm ngày 20 tháng 1. Vào tối ngày 22, chính quyền thành phố Vũ Hán yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Vào sáng sớm ngày 22 tháng 1, tỉnh Hồ Bắc bất ngờ kích hoạt phản ứng khẩn cấp về y tế cộng đồng cấp độ hai. Để so sánh, ngày hôm sau, tỉnh Quảng Đông đã tiến thẳng vào tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng cấp một.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 31 tháng 1 với CCTV, Bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường nói: “Tôi đã nghĩ rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể thực thi các biện pháp sớm hơn, ví dụ, khi chúng tôi bắt đầu đo thân nhiệt vào ngày 12 tháng 1 hoặc 13, liệu chúng tôi có nên hạn chế các chuyến bay, tàu cao tốc, xe buýt và tàu thuyền rời khỏi Vũ Hán vào thời điểm đó hay không, như chúng tôi đã bắt đầu từ ngày 23. Nếu chúng tôi hành động khi đó, dịch bệnh có thể đã được giảm nhẹ phần nào và không tệ như bây giờ. Ngay bây giờ tôi cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Nếu chúng tôi đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn sớm hơn, kết quả sẽ tốt hơn và tác động đến các khu vực khác của đất nước sẽ ít hơn. Chúng tôi cũng sẽ giảm bớt những lo lắng của Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước”.
Trong những giờ đầu tiên của ngày 23 tháng 1, chính quyền Vũ Hán đã ban hành lệnh “phong thành”. Nhưng ba ngày sau, vào ngày 26 tháng 1, viên thị trưởng nói rằng cho đến lúc đó, năm triệu người đã rời khỏi thành phố nhân dịp nghỉ lễ năm mới hoặc để thoát khỏi dịch bệnh”.
Tin liên quan:
✔️ Làm thế nào bảo vệ được chính bạn khỏi virus corona?
✔️ 10 điều “kinh điển” cho mùa dịch corona
✔️ “Đừng để diễn ra tình trạng phải lùng bắt người nghi nhiễm và người nhiễm…”
✔️ Không phải kỳ thị mà là biện pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh
✔️ Đặt cược bằng sinh mạng của con cái người khác
✔️ Thư gửi các bậc phụ huynh mùa dịch COVID-19…
✔️ Tản mạn mùa dịch coronavirus: Lời khuyên của bạn có thực sự làm thay đổi quyết định của một người?
✔️ Địa ngục trần gian
✔️ “Nhân dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa”
✔️ Sử dụng vũ khí sinh học, quét sạch nước Mỹ
✔️ Virus corona: Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối
✔️ Giơ chân đạp mũi nhọn!
Đặng Sơn Duân dịch.
Bài về chủ đề Giả dối-Ảo tưởng:
Tags
Chia sẻ với ứng dụng khác