➥ Người nông dân trước cánh đồng hạn nặng.
Trên một chuyến phà lớn từ Đại Ngãi qua Cù Lao Dung, sóng đánh tung tóe, khách như cảm thấy được vị mặn bám đọng trên môi. Thấy nước khắp nơi nhưng là nước mặn đã xâm nhập vào khắp các ngả sông rạch và người dân thì đang lao đao lùng kiếm tìm mua từng lu nước ngọt để uống.
Rồi còn phải kể tới những cánh đồng lúa cháy và các vườn cây trái thối rễ do đất bị nhiễm mặn khiến nhiều nông gia mất trắng tay.
Hạn mặn và ô nhiễm ở 13 tỉnh Miền Tây
Người bạn đồng hành đứng bên, anh dạy Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, nói với tôi: Kể cả có lũ ngọt đổ về, nước hết mặn cũng không uống được vì dòng sông quá ô nhiễm. Do chất thải kỹ nghệ từ các nhà máy ven sông, do phân bón hóa học từ đồng ruộng tràn ra, và tệ hại hơn nữa là rác rưởi từ các khu gia cư.
Đó là tình cảnh của ngót 20 triệu cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), phải sống chung với những dòng sông ô nhiễm, và nay họ đang nhận thêm được những tín hiệu báo nguy về hạn mặn sẽ trầm trọng hơn năm 2016 và tới sớm hơn ngay từ hai tháng đầu năm 2020. Do đó, cho dù có thấy "nước, nước, khắp mọi nơi, vậy mà không có giọt nào để uống." Cho dù ĐBSCL vẫn là nơi nhận nguồn nước cao nhất Việt Nam tính theo dân số. Tuy nước vây bủa xung quanh nhưng là nước bẩn hay nước mặn. Thách đố lớn nhất là làm sao thanh lọc được nguồn nước tạp ấy để có nước sạch đưa vào sử dụng.
Với tầm nhìn qua lăng kính vệ tinh và biến đổi khí hậu, vùng châu thổ Mekong là hình ảnh khúc phim quay chậm/slow motion của một con tàu đang đắm. Một cái chết rất chậm nhưng khá chắc chắn của một dòng sông Mekong dũng mãnh – lớn thứ 11 trên thế giới mà hệ sinh thái phong phú chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon - và cả một vùng châu thổ ĐBSCL đang từ từ bị nhấn chìm.
Giữa hạn mặn, nghĩ về Ngày Nước Thế Giới 2020
Trước những tình huống cực đoan và biến đổi bất thường về khí hậu có thể làm gia tăng biến thiên chu kỳ nước, rất khó tiên đoán được về nguồn nước có thể sử dụng, với những ảnh hưởng trên phẩm chất nước, cả trên tính đa dạng sinh học và sự đe doạ phát triển bền vững trên nhiều lưu vực của các con sông.
Dân số toàn cầu từ 7.2 tỷ năm 2015 đến nay 2020 – theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đã vượt qua con số 7.7 tỷ người. Tăng dân số cũng có nghĩa là gia tăng nhu cầu nước, kéo theo gia tăng nhu cầu năng lượng để bơm nước, vận chuyển và xử lý nước. Tận dụng nguồn nước cũng dẫn tới sự suy thoái các hồ chứa carbon thiên nhiên – carbon sinks từ các vùng đất đầm lầy.
Nhu cầu nước, một nhu cầu sống còn của con người, đang ngày một gia tăng trong tương lai, đòi hỏi phải có những quyết định mạnh mẽ, làm cách nào để phân chia các nguồn tài nguyên nước – thích nghi với biến đổi khí hậu khi đang xảy ra những tranh chấp sử dụng nguồn nước giữa các địa phương và các quốc gia.
Một ví dụ điển hình: con sông Mekong dài hơn 4,800 km chảy qua bảy quốc gia (Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam) giữa mùa khô hạn, đang bị tận lực khai thác bởi chuỗi những con đập thủy điện thượng nguồn, và làm cách nào để chia sẻ và sử dụng công bằng nguồn nước từ con sông Mekong đang là một "tranh chấp nóng" diễn ra hiện nay. Khi mà Cambodia và Việt Nam là hai quốc gia cuối nguồn đang chịu những hậu quả tích lũy nặng nề nhất: một Biển Hồ như trái tim của Cambodia đang thiếu nước, một ĐBSCL chịu hạn mặn chưa bao giờ khốc liệt như thế. Chưa kể tới khả năng nước lớn Trung Quốc sử dụng con sông Lancang-Mekong như một thứ vũ khí trong cuộc chiến tranh môi sinh – ecological warfare trừng phạt Việt Nam và các nước hạ lưu khác.
➥ Biếm hoa "Nạn khô hạn đang nướng ĐBSCL", Babui tặng BS Ngô Thế Vinh.
Quản lý nước liên quan chặt chẽ biến đổi khí hậu
Với nhu cầu sử dụng và quản lý nguồn nước, chính sách đối phó với biến đổi khí hậu không thể hoạch định chỉ trên quy mô quốc gia mà phải cho toàn lưu vực với một phương cách tích hợp.
Để phát triển và xây dựng một tương lai bền vững, cách làm ăn cũ bấy lâu với những quy hoạch thủy lợi đã không hiệu quả; do đó từ nay mọi phương cách quản lý nước cần được phân tích kỹ lưỡng qua lăng kính biến đổi khí hậu.
Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa để cải tiến và cập nhật những dữ liệu thủy học qua các học viện, qua các chính phủ, qua giáo dục, cùng nhau chia sẻ mọi kiến thức, để có được khả năng tiên lượng và đối phó với những rủi ro khan hiếm nước như hiện nay và chắc chắn sẽ trầm trọng hơn nhiều trong tương lai.
Mọi chính sách cần bảo đảm tính đại diện rộng rãi các thành phần tham gia, với thay đổi tác phong ứng xử, tạo được sự tin cậy giữa nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và lãnh vực tư nhân.
Những kế hoạch thích ứng cần có chiến lược nêu rõ mục tiêu và ưu tiên trợ giúp các cộng đồng cư dân lợi tức thấp – là nhóm người chịu tác động, dễ bị tổn thương và thiệt hại nhiều nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
(theo Ngô Thế Vinh — ông là bác sĩ, tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn, hiện là bác sĩ điều trị tại một bệnh viện Nam California, Mỹ. Ông cũng là nhà hoạt động môi trường và là nhà văn với 2 tác phẩm: Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng và Mekong-dòng sông nghẽn mạch).
➥ Đoàn khảo sát môi sinh ĐBSCL, 2017, trước cơ sở đầu tiên của Viện Nghiên Cứu Biến đổi Khí hậu/ DRAGON - Mekong Institute (BS Ngô Thế Vinh đứng thứ 3 bên trái sang)
Bài đầy đủ hơn, xin đón đọc trong nguyệt san Thế Giới Hội Nhập phát hành đầu tháng 3/2020.
Nguồn bài: Trang cá nhân của nhà báo Vũ Kim Hạnh.
Tin liên quan:
✔️ “Khóc một dòng sông…”
✔️ Ngăn sông cấm chợ
✔️ Trung Quốc cố tình “hiến kế” cho Campuchia phá hủy Đồng bằng sông Cửu Long
✔️ Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây mặn chát!
✔️ Tăng đầu tư đột biến, Trung Quốc muốn đẩy nhà máy ô nhiễm sang Việt Nam?
✔️ Những lời cảnh báo đầy ưu tư từ GS. Ngô Bảo Châu về thảm trạng môi trường ở Việt Nam
✔️ Vấn nạn của quốc gia
Bài về chủ đề Hù doạ-Nguy cơ: