➥ 7 thành viên của Politburo tối cao lập năm 1917 để thực hiện cách mạng tháng Mười gồm: Lenin, Zinoviev, Kamenev, Trotsky, Stalin, Sokolnikov và Bubnov.
Tháng 4-1922, được Lenin, Lev Kamenev ủng hộ, Stalin được bầu làm tổng bí thư với rất ít quyền lực nhưng tới năm 1930, sau một quá trình đàn áp các đối thủ chính trị, Stalin đã nắm vị trí thống lĩnh chính trị tại Nga.
Trong thời gian Lenin bị ốm năm 1923-1924, Stalin thường xuyên tranh cãi với Lenin và Lenin đã viết Di chúc lên án chủ nghĩa bè phái, về từng thành viên Bộ Chính trị và cả Trotsky (đồng tác giả với Lenin trong cuộc cách mạng vô sản tháng Mười, chủ tịch Xô viết Petrograd, Chủ tịch ủy ban quân sự) và Stalin. Trotsky là một nhà lý luận cách mạng hàng đầu, thành viên đầu tiên của Bộ chính trị, Tổng chỉ huy Hồng quân và dân ủy chiến tranh, dân ủy ngoại giao.
Lenin nghi ngờ Stalin thô lỗ, không đủ năng lực vào vị trí Tổng bí thư có quyền lực nhiều và đề nghị loại bỏ khỏi vị trí Tổng bí thư để thay bằng một người khoan dung hơn, trung thành hơn, lịch sự hơn, quan tâm tới đồng chí và ít giảo hoạt hơn...
Nhưng Stalin đã liên minh với Kamenev (từng là Phó chủ tịch hội đồng dân ủy, Chủ tịch Ban chấp hành trung ương, Giám đốc Viện Lenin của Trung ương Đảng), Zinoviev (phụ trách Xô viết Leningrad, lãnh đạo Quốc tế cộng sản) chống lại Trotsky, trưng ra các bức ảnh mình thân thiết bên cạnh Lenin khi ông dưỡng bệnh và chính mình là người kế tục trung thành nhất của Lenin. Bộ ba đã thắng thế trong đại hội Đảng thứ 12 năm 1923.
Tháng 1-1924 Lenin qua đời, nhóm bộ ba tìm cách giảm nhẹ tính chất Di chúc của Lenin bằng cách chỉ đọc và thảo luận Di chúc ở từng tổ, không được ghi chép và nhắc tới khi họp toàn thể, không được công bố ra ngoài. Vì vậy, nhóm bộ ba duy trì được vị trí trong đại hội Đảng thứ 13.
Tới đại hội 14, nhóm bộ ba tan rã. Kamenev đòi bãi chức của Tổng bí thư Stalin. Kamenev, Zinnoviev, Trotsky, Sokolnikov lập thành khối Thống nhất còn Stalin bắt tay với Bukharin (Ủy viên Bộ chính trị, nhà lý luận cách mạng sau Lenin, Tổng biên tập báo đảng Pravda, Tổng thư ký của Quốc tế cộng sản). Trong cuộc bỏ phiếu toàn đảng tranh luận giữa Stalin và Trotsky với sự tham gia của 730.000 đảng viên, 724.000 ủng hộ lập trường của Stalin, 6000 ủng hộ Trotsky dẫn tới khối Thống nhất tan rã. Tháng 10-1927, cả ba Kamenev, Zinnoviev, Trotsky bị bỏ phiếu loại khỏi Ban chấp hành trung ương. Từ 1929, Trotsky bị đuổi khỏi Đảng, ra nước ngoài lưu vong. Trotsky thành lập Quốc tế cộng sản IV theo trường phái mác xít mới đối lập với Quốc tế cộng sản III. Tháng 8-1940, Trotsky bị mật vụ của Stalin ám sát tại Mexico bằng cách dùng rìu bổ vào sọ.
Kamenev, Zinnoviev bị đuổi khỏi đảng, phải viết thư xin lỗi, xin trở thành đảng viên thường và tuân phục Stalin. Trong đợt Đại thanh trừng của Stalin, tháng 8-1936, hai ông bị xét xử trong một phiên tòa ngắn và bị hành quyết ngay trong ngày. Trước Stalin, hai ông đã phải nói lời thỉnh cầu: "Chúng tôi không đáng sống. Chúng tôi đã phản bội giai cấp cần lao. Xin giải chúng tôi đi và xử bắn chúng tôi đi!" Tất nhiên Stalin vội vã chấp nhận luôn lời thỉnh cầu ấy hộ cho đông đảo nhân dân cần lao.
Còn Sokolnikov bị bắt năm 1937 và bị giết năm 1939.
Năm 1927, Bukharin và chủ tịch hội đồng bộ trưởng Alexey Rykov (chính trị gia hàng đầu, chủ tịch dân ủy Xô viết) phản đối các chính sách kinh tế của Stalin nhưng không được đa số ủng hộ. Bukharin bị buộc tội hữu khuynh và loại khỏi bộ chính trị tháng 11-1929. Tháng 3-1938, trong đợt Đại thanh trừng nhằm trấn áp những kẻ phá hoại và những kẻ không đáng tin cậy, Bukharin và Alexey Rykov đã bị bắt, bị xử kết tội phản quốc và bị xử bắn.
Andrei Bubnov - thành viên Ủy ban lâm thời cách mạng tháng mười, người ủng hộ Stalin, trưởng ban kiểm soát chính trị của Hồng quân số phận cũng không khác là mấy. Tháng 10-1937 ông bị bắt, bị khai trừ khỏi Đảng, bị xử án tử hình và bắn cùng ngày 1-8-1938.
Từ năm 1930, Stalin nắm trọn quyền hành như một nhà độc tài cá nhân tuyệt đối. Mọi đảng viên phải tuyệt đối phục tùng kỷ luật của Đảng tức là phục tùng tuyệt đối Stalin. Stalin xây dựng bộ máy an ninh - tổ chức Cảnh sát Nội bộ Đảng cùng Ban kỷ luật Đảng (Orgburo) để giám sát, theo dõi và kiểm soát từng lãnh đạo, từng nhóm đảng viên trong đảng.
LIÊN QUAN:
✔️ Sự dối trá vĩ đại: đức Bênêđíctô bàn về Chủ nghĩa xã hội
Theo Bùi Quang Minh
Bài về chủ đề Tội phạm-Ác độc: