Địa ngục trần gian

Chưa có trên bản đồ thế giới, nhưng một “siêu đô thị ma” đã xuất hiện. Ở đó hàng chục triệu người đang trong cơn đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, và mỗi ngày có hàng trăm xác người (con số công bố) bị đem đi hỏa táng. Một địa ngục đang hiện hữu ngay trên thế gian này. Chẳng ai nghĩ được những điều kinh hoàng ấy có thể xảy ra, nhưng nó đã và vẫn đang diễn ra hàng ngày. Source: http://www.saigonnhonews.com/thoi-su/corona/dia-nguc-tran-gian/
Chưa có trên bản đồ thế giới, nhưng một “siêu đô thị ma” đã xuất hiện. Ở đó hàng chục triệu người đang trong cơn đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, và mỗi ngày có hàng trăm xác người (con số công bố) bị đem đi hỏa táng. Một địa ngục đang hiện hữu ngay trên thế gian này. Chẳng ai nghĩ được những điều kinh hoàng ấy có thể xảy ra, nhưng nó đã và vẫn đang diễn ra hàng ngày.


Trong những ngày qua, trên trang mạng Sina Weibo, một trong những nền tảng truyền thông xã hội thống trị ở Trung Quốc, đã có hàng ngàn bài đăng, gần 2 tỷ lượt xem và hàng trăm ngàn người theo dõi chỉ với chủ đề: bệnh nhân viêm phổi do chủng coronavirus mới (nCoV) gây ra đang cầu cứu sự giúp đỡ.

Hỗn loạn, quá tải!


Vào thứ hai, một người phụ nữ tên Zhang, 30 tuổi đã đăng lời cầu xin sự giúp đỡ cho người cha bị nhiễm bệnh. Zhang cho biết cha cô bị sốt vào ngày 26-01, nhưng ông không được bệnh viện chữa trị. Cô đã thử mọi cách, gọi cho cộng đồng địa phương, văn phòng y tế, phường sốt bệnh viện và đường dây nóng của thị trưởng, nhưng tất cả đều vô ích. Dưới sức nặng của áp lực cộng đồng, người cha đã được kiểm tra hai ngày sau đó. Kết quả dương tính với nCoV! Nhưng đến lúc này, bệnh viện vẫn không nhận bệnh nhân này với lý do: không có đủ giường.

Zhang cố mọi cách để có được một chiếc giường cho cha mình, từ việc thêm tên của mình vào các nhóm bệnh nhân WeChat cần sự giúp đỡ, đến việc điền vào các mẫu đơn bệnh nhân từ Hội đồng Nhà nước và tờ báo thành phố, nhưng không thành. Cuối cùng, cô không có lựa chọn nào khác ngoài việc đăng một bài lên Weibo. Cha cô và cô hiện là một trong số hàng chục ngàn người được xác nhận nhiễm nCoV tại thành phố miền Trung của Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 12.

Nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân tại một tòa nhà văn hóa được chuyển đổi thành một trung tâm điều trị cho các trường hợp nhiễm nCoV ở Vũ Hán. Hình: Tân Hoa Xã.

Từ các nhóm WeChat, những đứa trẻ hốt hoảng, tìm kiếm trong sự vô vọng sự giúp đỡ cho cha mẹ của mình.

Vào ngày 23-01, một clip được đăng tải trên tờ New York Times cho thấy sự hỗn loạn, quá tải tại các bệnh viện bên trong thành phố Vũ Hán – ổ dịch nCoV. Người dân đứng chật cứng hành lang bệnh viện để chờ đến lượt được xét nghiệm. Cảnh chen chúc trong dòng người chật cứng ấy vang lên giọng kêu cứu của bệnh nhân, xin được xét nghiệm vì có dấu hiệu sốt. Nhưng đó là chuyện của vài tuần trước khi dịch bùng phát.

Cơn ác mộng đã quay trở lại!


Shi Muying, 37 tuổi, sống tại Luân Đôn về nước thăm mẹ bị ung thư giai đoạn cuối kể lại với phóng viên báo Le Figaro: “Tôi về đến Vũ Hán 12 ngày trước khi thành phố bị phong tỏa và đã “rơi xuống địa ngục.” Từ khi trở về, Shi cùng cha, hàng ngày vào bệnh viện thăm người mẹ đang cận kề với cái chết. Đó cũng là thời gian hai bố con Shi Muying bắt đầu bị sốt, rồi ho. Họ đạp xe đi khắp thành phố tìm một hiệu thuốc. Cuối cùng, họ đành đến bệnh viện. Sau khi đợi “năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ, đông kín người”, họ bị trả về để tự cách ly. Thành phố Vũ Hán lúc ấy đã bị phong tỏa. Shi Muying nói: bị cách ly có nghĩa là không được phép ra khỏi cửa. Cô quá tuyệt vọng nên cất tiếng kêu cứu trên mạng xã hội Weibo. Dù hai bố con cô được nhập viện sau đó, Shi Muying không nuôi ảo vọng vì “dù ở bệnh viện hay không thì cũng chẳng được chăm sóc.” Shi Muying đã bị sang chấn tâm lý mạnh, khi hàng ngày bị ‘giam lỏng’ trong khu vực ‘cách ly’ và chắc chắn rằng mẹ cô đang trút những hơi thở cuối cùng mà không một người thân bên cạnh. Không ít người như cô đã chết không phải vì bệnh lý mà là do tâm lý hoảng sợ.
“Tôi không nghĩ rằng tôi có thể vượt qua đêm nay, và cuối cùng cũng có thể nhận ra cái chết là gì. Thật là nực cười. Không ai tin cả. Không ai tin rằng tôi sẽ chết …”

Đó là những lời di ngôn tuyệt vọng trên Weibo của một cô gái bị nhiễm viêm phổi tại Hồ Bắc – Bá Mạn Nhi, 24 tuổi – đang vật lộn trên bờ vực của cái chết.

Ngày 06-01, Bá Mạn Nhi đăng hình của mình (trái) trên Weibo. Hơn 20 ngày sau, Bá Mạn Nhi (phải) đã bị nhiễm bệnh và tình trạng sức khỏe rất yếu. Hình: Weibo Bá Mạn Nhi.

Theo lời kể của Bá Mạn Nhi, ngày 24-01, cô bắt đầu nhập viện ở khu cách ly Bệnh viện số 3 Thành phố Thiên Môn, giường số 15 tầng 2. Cô bị sốt liên tục trong vòng một tuần lễ. Vào ngày 31-01, khi tình trạng của cô đã rất xấu, cô viết: “Đây là di ngôn của tôi. Con xin lỗi ba mẹ! Con xin lỗi ba mẹ!” Bá Mạn Nhi nói những lời đầy tuyệt vọng trên Weibo: ”Tôi biết hôm nay tôi sẽ phải chết, hô hấp suy kiệt, cơ thể không thể di chuyển được, cũng không được truyền dinh dưỡng nữa. Tôi đã chủ động đi cách ly, không ngờ rằng mình sẽ phải vào địa ngục trần gian. Khi đi cách ly, tôi chỉ được phát cho hai viên Oseltamivir mỗi ngày. Không tiêm truyền. Cái gì cũng không có. Chất lượng đồ ăn cũng rất tệ, không thể nâng cao khả năng miễn dịch, tôi không ngờ rằng mình sẽ phải chết sớm như vậy….Tôi còn trẻ thế này mà đã phải chết rồi, tôi không cam tâm. Ba mẹ và chú tôi vẫn ngây thơ tin rằng tôi sẽ được cứu, nên đã nghe theo sự sắp xếp của bệnh viện, tôi sắp chết rồi, vậy mà y bác sĩ trong bệnh viện không có ai đến đây…Ba mẹ ơi, con rất có lỗi với ba mẹ, con rất có lỗi, con hy vọng rằng về sau này ba mẹ có thể sống hạnh phúc vui vẻ! Em trai, chị mong em sẽ học tập cho tốt, chăm chỉ học tập! Có quá nhiều lời, không còn biết phải nói thế nào nữa! Tôi biết những bệnh nhân đang chờ chết tại đây giống như tôi không hề ít, chúng tôi tin vào chính phủ như thế, vậy mà hiện tại nhận được kết cục như thế này đây!”

Bá Mạn Nhi mô tả chi tiết tình hình trong khu cách ly của bệnh viện, như “địa ngục trần gian”. Hình: Weibo Bá Mạn Nhi.

Bên ngoài, ba mẹ của Bá Mạn Nhi bị cảnh sát tìm đến chỉ vì họ đăng tin tức sự thật lên Weibo.

Mới đây, một câu chuyện khác đau lòng xảy ra khi một người cha nghi nhiễm nCoV bị cách ly, bỏ lại con trai 17 tuổi bị bại não ở nhà. Cuối cùng, người con đã chết đói vì suốt năm ngày không có người chăm sóc.

Vì số lượng người nhiễm bệnh quá lớn, nhà thương quá sức chứa, thiếu đội ngũ y tá, bác sĩ, thiếu cả trang bị, thiết bị ngành y, nên các bệnh viện trở thành nơi mà người bệnh nặng chờ để được chuyển tới lò thiêu. Trên mạng xã hội Weibo, một nhân viên nhà tang lễ ở Vũ Hán tiết lộ anh phải làm việc gần 24 giờ mỗi ngày dưới áp lực khủng khiếp và các nhà hỏa táng đang trong tình trạng quá tải do số người chết gia tăng mỗi ngày.

Chuẩn bị đưa xác một bệnh nhân đi thiêu.

Còn trên Mail, Yun, nhân viên một lò hỏa táng ở Vũ Hán nói anh liên tục phải chuyển các thi thể nên thường không ăn uống trong nhiều giờ để bảo vệ bộ bảo hộ dùng một lần. Hàng ngày, anh và đồng nghiệp đưa ít nhất 100 thi thể về lò hỏa táng Vũ Hán. Những cái xác này được họ thu thập từ ba bệnh viện lớn của Vũ Hán và vài bệnh viện nhỏ khác hay các nhà dân.

Tờ China Daily, đưa tin ngày 02-02, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ra chỉ thị độc ác, bất nhân khi yêu cầu các bệnh viện liên hệ trực tiếp với nhà hỏa táng, để tiến hành hỏa táng nhanh chóng ngay cả khi gia đình không đồng ý, đồng thời cấm tổ chức tang lễ cho những bệnh nhân chết vì nCoV để nhằm ngăn chặn nCoV lây lan.

Bệnh nhân hay tội nhân?


Khi dịch bệnh đã bùng phát, người dân Vũ Hán lại sợ vào nhà thương. Tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, người dân đang bị truy lùng như thể họ là tội phạm. Một nhân viên an ninh nói với AFP là những ai đến từ Hồ Bắc phải thông báo cho nhà chức trách khu vực, vì có thể những người này làm lây nhiễm bệnh. Những người được xác minh là người Hồ Bắc hoặc Vũ Hán sẽ bị theo dõi chặt chẽ, không thể tự ý ra, vào một khu phố, thậm chí còn không được đi mua thức ăn. Họ được cung cấp thức ăn qua một khe cửa nhỏ đã bị khóa trái bên ngoài. Họ như những tội nhân.

Nhận thực phẩm qua khe cửa nhỏ, bên ngoài bị khóa chặt.

Các biện pháp quyết liệt được Trung Cộng áp dụng nhằm đối phó với dịch viêm phổi do nCoV gây ra khởi phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, từ hồi tháng 12-2019, nhưng đã trở thành ‘trọng điểm’ không lâu sau đó.

Mấy tuần trước, Ủy ban Vệ sinh – Y tế Trung Quốc kêu gọi các địa phương siết chặt kiểm tra người dân trong khu vực đã từng đi đến đâu, thậm chí chính quyền địa phương còn ra biện pháp thưởng tiền cho những người ‘phát giác’ ai đó là ‘người Vũ Hán’ đang… ẩn náu.

Các sở cảnh sát trên cả nước ở Trung Quốc đang đẩy mạnh xử lý các trường hợp từ chối điều trị cách ly. Một đoạn video đăng tải trên các mạng xã hội. Ở đó, vang lên tiếng gào thét của một người đang bị lôi kéo một cách thô bạo, và bị lôi cổ ra khỏi nhà. Có thể ông ấy đã sống chung, hoặc liên quan đến người bị nhiễm nCoV.

Cưỡng chế đưa người nghi nhiễm nCoV ra khỏi nhà.

Cảnh sát ở Jinghong, phía Tây Nam tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đang điều tra một bệnh nhân tên là Li vì cho rằng người này gây nguy hiểm cho cộng đồng. Theo đó, Li đã đi đến Vũ Hán, tâm chấn của dịch Corona từ tháng 12-2019 đến tháng 01-2020. Sau khi trở về Jinghong, cô bị ho cũng như các triệu chứng khác, sau đó được xác nhận là bị nhiễm nCoV. Và dù đã khỏi bệnh và được xuất viện vào ngày 03-02, cô vẫn bị cảnh sát áp dụng các biện pháp cưỡng chế để điều tra. Nhiều trường hợp tương tự cũng đang xảy ra trên toàn quốc.

Chính quyền Trung Cộng đã ban hành các quy định mới chống dịch nCoV, trong đó có biện pháp bỏ tù hay tử hình người vi phạm. Họ sẽ còn đẩy nhanh việc truy bắt, truy tố và xét xử trong bối cảnh dịch bệnh đang ở “giai đoạn trọng điểm.”

Chỉ trong vòng ít ngày đầu năm 2020, đã có hơn 40 vạn người Trung Quốc, đa số tại thành phố Vũ Hán – một siêu đô thị của Trung Quốc, mắc phải bệnh viêm phổi do nhiễm nCoV. Sự bùng phát lần này đã làm sống lại ký ức của rất nhiều người về Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome – SARS) đã xảy ra hồi năm 2002 cũng tại Trung Quốc và đã khiến cho 8.098 người tại 37 quốc gia mắc bệnh, trước khi nó được dập tắt vào mùa hè năm 2003. Cơn ác mộng đã quay trở lại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng con số những người bị nhiễm nCoV dù không đến Trung Quốc hiện nay, chỉ là ‘phần nổi của tảng băng.’ Tuyên bố này được đưa ra trong lúc phái đoàn của WHO chuẩn bị tới Trung Quốc, nơi nCoV đang hoành hành, lây nhiễm cho hơn 40.000 người và giết chết cả ngàn người.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter. “Số ca lây nhiễm được phát hiện ở các nước ngoài Trung Quốc khá nhỏ, có thể hàm ý rằng việc lây lan rộng hơn nhiều. Nói cách khác, chúng ta mới nhìn thấy phần nổi của tảng băng.”

Chưa biết “tảng băng chìm” nó như thế nào, chỉ thấy số người chết và người bị nhiễm nCoV vẫn không ngừng gia tăng. Người ta tin rằng khi lìa đời, chỉ có thể xác bị hủy hoại, linh hồn sẽ được lên Thiên đàng hay xuống địa ngục. Nhưng có một nơi mà hàng triệu triệu người đang vẫn còn sống mà như trong địa ngục – một địa ngục trần gian.

Tin liên quan:
✔️ Triệu chứng nhiễm corona qua từng ngày
✔️ 10 điều “kinh điển” cho mùa dịch corona
✔️ “Đừng để diễn ra tình trạng phải lùng bắt người nghi nhiễm và người nhiễm…”
✔️ Không phải kỳ thị mà là biện pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh
✔️ Đặt cược bằng sinh mạng của con cái người khác
✔️ Thư gửi các bậc phụ huynh mùa dịch COVID-19…
✔️ Tản mạn mùa dịch coronavirus: Lời khuyên của bạn có thực sự làm thay đổi quyết định của một người?
✔️ Bức thư đau lòng từ Vũ Hán của Lm. Sơn Nhân, một chứng nhân tại chỗ
✔️ “Nhân dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa”
✔️ Vũ Hán ăn năn: Trung Quốc đã bỏ lỡ thời kỳ quan trọng để khống chế dịch virus corona như thế nào?
✔️ Sử dụng vũ khí sinh học, quét sạch nước Mỹ
✔️ Virus corona: Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối
✔️ Giơ chân đạp mũi nhọn!

Đ.T. (theo Sài Gòn nhỏ)
Bài về chủ đề Cảnh báo:
Về đầu trang