Cơm từ thiện mùa đại dịch, một câu hỏi không dễ trả lời!

"Đang dịch vầy, mở ra có sao không cô?" Tôi im lặng chẳng biết trả lời sao vì thật ra câu hỏi này hầu như ngày nào cũng xoáy sâu trong lòng tôi ngay từ ngày có tin về dịch bệnh. Dễ dàng nhất là tạm thời đóng cửa. Cũng chẳng ai trách mình. Mùa đại dịch mà! Nhưng ngày nào cũng thấy một lô lốc đám người phờ phạc vì đang nằm viện và vì cơm áo đi ngang qua quán dòm và vẫn chỉ một câu hỏi "Bao giờ bán lại?". Source: fb.com/chuoichin.cay.3/posts/1343448522522848



"Đang dịch vầy, mở ra có sao không cô?" Tôi im lặng chẳng biết trả lời sao vì thật ra câu hỏi này hầu như ngày nào cũng xoáy sâu trong lòng tôi ngay từ ngày có tin về dịch bệnh.

Dễ dàng nhất là tạm thời đóng cửa. Cũng chẳng ai trách mình. Mùa đại dịch mà! Nhưng ngày nào cũng thấy một lô lốc đám người phờ phạc vì đang nằm viện và vì cơm áo đi ngang qua quán dòm và vẫn chỉ một câu hỏi "Bao giờ bán lại?".

Bán thì lòng đỡ áy náy nhưng vẫn lo nhiều. Mình sẽ chịu trách nhiệm thế nào được nếu chuyện chẳng may xảy ra cho anh, chị, em trong quán?

Cuối cùng, tôi cũng quyết định bán lại! Nhưng để bán được trong mùa dịch này, phải suy tính làm sao để hạn chế tối đa sự lây lan trước khi hiểm hoạ có thể xảy đến cho cả hai phía: nhân viên, tình nguyện viên và bà con nghèo.

Về phía anh, chị em trong quán thì tôi yêu cầu nghiêm ngặt tất cả phải đeo khẩu trang và mang bao tay, ngoài việc phải rửa tay và uống nước thường xuyên. Về bà con, thì mỗi quán phải phát nước suối trong mỗi khẩu phần ăn trong suốt ba ngày liền. Bên cạnh đó, phải nhắc nhở qua micro rằng bà con sau khi uống phải giữ vỏ chai lại để ba ngày sau, quán vẫn sẽ tiếp tục để bình trà đá nhưng không để ly. Muốn uống bà con phải dùng vỏ chai đã được phát để sử dụng. Song, trước khi lấy nước, bà con phải nhớ rửa miệng chai vào thau nước để cạnh. Ý tưởng đơn giản thế thôi mà cũng phải nghĩ trầy trật cả mấy buổi. Nhiều người bảo sao không mua ly nhựa uống một lần rồi bỏ cho khoẻ. Khỏe thiệt và đảm bảo vệ sinh thiệt nhưng lại thêm kinh phí! Mỗi buổi trưa mỗi quán bán trên ba trăm suất, một tuần bán sáu ngày, thì tiền đâu chịu cho thấu? Đó là chưa kể đống ly nhựa đó còn gây hại cho môi trường!

Cũng chưa đủ. Tất cả muỗng, nĩa, đũa, khay ăn sau khi rửa sạch đều phải được luộc trong nồi nước sôi. Ngay cả phiếu cơm, sau mỗi buổi bán, đều phải được rửa kỹ bằng xà phòng. Muỗng nĩa thay vì để trong hộp đựng muỗng đũa như trước đây, thì nay phải được cuốn trong giấy ăn, để riêng trong quầy và chỉ được bỏ vào khay khi bà con đến nhận cơm.

Ngoài ra, bà con còn phải xịt nước sát khuẩn vào tay trước khi ăn là điều kiện bắt buộc. Thế là chúng tôi, tận dụng sự quen biết để xin xỏ. Qua anh Nguyễn văn Châu, giám đốc công ty kiến trúc Tỷ Lệ Vàng, cũng là người sáng lập trung tâm "Hiệp khí đạo đường", " kỹ năng tự vệ Sài Gòn", giới thiệu nhờ giúp đỡ. Nhờ đó, Công ty Enagic (Nhật Bản) đã chở một cái máy tạo ra nước sát khuẩn PH 2.5 miễn phí để quán trữ trong can xài hàng ngày. Các bạn trẻ thạc sĩ, kỹ sư làm trong phòng thí nghiệm của trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng hào phóng vừa bán vừa cho nước sát khuẩn xài cả nửa năm...

Thế là từ giữa tháng hai tới nay, bất cứ bà con nào tới ăn, sau khi mua phiếu đều bắt buộc phải rửa tay bằng nước sát khuẩn. Ban đầu do thiếu người, chúng tôi để bà con tự xịt. Nhưng sau một ngày quan sát, nhận thấy bà con chỉ xịt lấy lệ, nên buộc lòng quán phải cho một người làm việc đó xịt đầy cả mặt trên và mặt dưới của đôi tay. Bởi vậy không tránh khỏi có một số người càu nhàu, la lối: "Làm gì mà kỹ quá vậy? Xịt cho cố rồi cũng chết thôi mà!" (?!). Biết vậy, nên khi sử dụng gel sát khuẩn, thay vì yêu cầu bà con mở hai tay ra, chúng tôi yêu cầu bà con lật mu bàn tay lại để chúng tôi bơm lên. Xịt như thế này buộc lòng bà con phải dùng cả hai lòng bàn tay chà xát cả trong, ngoài bàn tay.

Đầu tháng ba, thông tin bệnh dịch càng tệ hại hơn. Đã có 77 Nước trên thế giới bị lây nhiễm và nhiều nước đã có không ít người chết. Tôi lại càng lo lắng hơn. Trong tháng 1, tháng 2 tuy bực mình vì Nhà Nước không cấm triệt để những người trung quốc, để họ vẫn nghênh ngang đi lại khắp Nước trong khi ổ dịch phát ra là từ Nước Trung Quốc. Nhưng dẫu sao họ cũng chỉ đi lơ ngơ ngoài đường, vào nhà hàng, khách sạn. Còn bây giờ? Trên hai vạn người Việt đi xuất khẩu lao động từ Hàn Quốc về. Anh chị em về tránh dịch cũng là chuyện hợp lý. Tuy nhiên trong số họ có rất nhiều người thiếu ý thức về tình hình nghiêm trọng của dịch bịnh, trốn tránh sự cách ly và không nghiêm ngặt trong việc bảo vệ sự lây lan cho mình và gia đình... thì kết quả sẽ cực kỳ nguy hiểm, khi có một vài người thực sự đã bị nhiễm nhưng không biết.

Không phải tôi quan trọng hoá vấn đề, nhưng trong tình hình dịch bệnh lan tràn chưa lường trước được, mà mỗi ngày chúng tôi tiếp xúc gần trên ba trăm người, thì rõ ràng khả năng lây nhiễm là rất lớn.

Tôi phải làm sao đây? Tiếp tục mở quán hay tạm thời đóng cửa. Một câu hỏi không dễ trả lời. Các bạn góp ý giúp tôi với!

LIÊN QUAN:
✔️ Dịch bệnh và hai loại người: ngây thơ vô số tội và hãi sợ rúm vó
✔️ Giấu dịch là tự sát! Quan hay dân giấu cũng rứa… Và cũng không giấu nổi nữa cơ!
✔️ Chủ quan lắm… người Việt ơi!
✔️ Đặt cược bằng sinh mạng của con cái người khác
✔️ Địa ngục trần gian
✔️ Vũ Hán và 9 triệu nỗi đau
✔️ Vũ Hán ăn năn: Trung Quốc đã bỏ lỡ thời kỳ quan trọng để khống chế dịch virus corona như thế nào?

Chau Thi Phan
Bài về chủ đề Ân tình-Yêu thương:
Về đầu trang